Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Dinh Cậu Phú Quốc

Thiên nhiên đã tạo nên những múi đá kỳ lạ để người dân nơi đây dựng lên Dinh Cậu, hương khói quanh năm.
Mũi đá Dinh Cậu cuốn hút du khách không chỉ bởi vẻ kỳ thú do thiên nhiên ban tặng, mà còn vì sự huyền bí, linh thiêng qua những truyền thuyết xa xưa.
Chuyện kể rằng người dân Phú Quốc sống bằng nghề chài lưới, nhiều ngư dân ra khơi gặp sóng dữ đã mãi mãi không về. Đột nhiên một mõm đá dần dần nổi lên nơi cửa biển, người dân cho rằng đây là điềm tốt nên đến đây thờ cúng và quả nhiên chuyến đi gặp được sóng êm biển lặng. Tin lành đồn xa, dần dần hình thành nên tục thờ cúng tại mỏm đá này và đặt tên là DINH CẬU.
Dinh Cậu còn có tên gọi là Miếu thờ Long Vương. Miếu thờ này được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, kỳ thú được tạo nên từ ghềnh đá và biển, liên quan với đạo thờ Mẫu. Điều này chứng tỏ từ khi mở đất người Việt đã đặt chân lên Phú Quốc và đặt nền móng cho văn hóa Việt bén rễ ở vùng đảo xa này. Dinh Cậu liên quan mật thiết với tục thờ Bà Cậu, tức tục thờ Bà Thủy và Cậu Tai, con trai út cưng của bà. Nếu ở miền Quảng Nam- Đà Nẵng có tục thờ “Cậu Tài”( tài vật, tài sản…), thì trong tiến trình “Nam tiến” khai hoang người ta gọi chệch đi là “Cậu Tai”(tai hoạ, tai nạn…), một đối tượng khách quan mà mình chưa nhận thức hết, chưa chinh phục được. Từ chữ “Tài” đến chữ “Tai”, cho thấy bước phát triển mới về chủ nghĩa duy vật mộc mạc trong tư duy của nhân dân lao động khai hoang xưa.
Dinh Cậu ra đời vào khoảng thế kỷ XVII, nằm cách thị trấn Dương Đông 200m về phía tây. Từ bãi cát trắng xóa leo lên 29 bậc đá là đến miếu thờ. Uy nghi trên nóc dinh là hình ảnh “lưỡng long tranh châu”. Bên trong chánh điện thờ Chúa Ngọc nương nương và tượng thờ hai “Cậu” – những cao nhân bảo vệ ngư dân vùng biển đảo. Đứng trên Miếu Dinh Cậu đưa mắt xa nhìn bao quát được cả chợ Dương Đông. Trên đường lên Dinh ta gặp Miếu Thổ Thần nhỏ và một hàng rào bằng bê tông rất vững chãi bao quanh Dinh. Sân được láng bằng xi măng có đặt bàn thờ Ông Thiên. Bên hành lang di tích là hàng cột đúc bằng xi măng với những câu liễn đắp nổi bằng chữ Hán như: “Tọa đại thạch đầu quy danh hiển” (Dinh Cậu nổi tiếng tọa lạc ở đầu của mõm đá giống con rùa). “Vạn cổ anh linh thông tứ hải” (Từ xưa anh linh của Dinh Cậu đã vang khắp bốn biển). “Chấn phong bình lượng bảo lương dân” (Dinh Cậu như tấm bình phong bảo vệ dân lành). “Phong điếu vũ thuận dân an lạc” (Nhờ ơn cậu mà mưa thuận gió hòa dân cư an lạc). Cửa chính được làm bằng gỗ trên vòm cửa có ghi ba chữ Thạch Sơn Điện. Ngày xây dựng 14/7/1937 ngày trùng tu 14/7/1997.
Trước mỗi chuyến ra khơi hay vào dịp lễ tết, người dân đảo lại đến thắp nhang cầu mong cho những chuyến đi biển được bình an. Hàng năm vào ngày 15, 16-10 âm lịch, nhân dân mở hội lớn, có rất đông người tham dự.
Nằm ở cửa Sông Dương Đông, Dinh Cậu được ví như biểu tượng của Phú Quốc nơi biển, cát, nắng và đá hoà trộn với nhau thành một khung cảnh hữu tình. Nơi đây không chỉ là một cảnh vật đẹp, có hình thù kỳ thú mà còn là nơi đất thánh linh thiêng, cổ kính. Những bậc thang lãng mạn đưa bạn lên đỉnh để cảm nhận được làn gió biển dịu dàng, ngắm nhìn mặt trời lặn qua các tảng đá bị ăn mòn và thưởng thức cảnh thanh bình của dòng sông Dương Đông.
Tọa lạc trên một ghềnh đá vươn ra biển, Dinh Cậu luôn sừng sững, hiên ngang trước sóng to gió lớn nhưng lại trở nên huyền diệu, lung linh. Phía trước Dinh Cậu là cửa Dương Đông, nơi có ghềnh đá dài với những mỏm đá nổi lô nhô. Khi những đợt gió mùa thổi về, hàng ngàn ngọn sóng trắng xoá đổ vào cửa sông dào dạt. Liền kề Dinh Cậu là bãi Dương Đông với bờ biển cát vàng, nước xanh, rực nắng (còn gọi là bãi tắm Dinh Cậu).
Dinh Cậu hiện là điểm đến của khách du lịch với hàng trăm ngàn lượt người mỗi năm. Lên Dinh lắng nghe tiếng sóng rì rào mang đậm vị mặn mà của biển và trải lòng với thiên nhiên là điều thú vị rất riêng mà chỉ nơi này mới có.

Nguồn: dulichphuquoc.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét