Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Bảo tàng Cội Nguồn - hành trình tái hiện lịch sử Phú Quốc



Khách tham quan chiêm ngưỡng những cổ vật tại Bảo tàng Cội Nguồn.  
 
Dành nguyên cả một ngày để khám phá những cung đường bí ẩn phía nam đảo Phú Quốc, chúng tôi chọn Cội Nguồn-bảo tàng tư nhân của Huỳnh Phước Huệ làm điểm đến đầu tiên. Thật kỳ lạ, giống như được ngược dòng thời gian trở về nguồn cội, ấn tượng một đảo ngọc trù phú mà kiên cường, thâm trầm mà sống động cứ thế tuôn chảy dạt dào theo hình dung mỗi bước chân...
Chào đón chúng tôi là nụ cười "tỏa nắng" của cô hướng dẫn viên xinh đẹp tên Huyền Trân lặn lội từ miền quê Ðà Nẵng tới Phú Quốc lập nghiệp. Giọng nói trong trẻo pha chút mặn mòi hương biển chẳng mấy chốc đã đưa chúng tôi lạc vào thế giới hoàn toàn khác. Một Phú Quốc thu nhỏ với toàn bộ lịch sử tự nhiên, xã hội từ quá khứ tới hiện tại được gói gọn trong ngôi nhà năm tầng tọa lạc bình yên trên triền đồi thoai thoải của thị trấn Dương Ðông. Ði  qua tầng một, tầm mắt chúng tôi bị hút bởi những gian trưng bày theo chuyên đề lịch sử tự nhiên và sinh vật cảnh Phú Quốc. Chúng tôi đến với không gian tầng hai với những góc tái hiện lịch sử chân thực xuyên suốt về quá trình khai phá, đấu tranh của hòn đảo ngọc: từ một Phú Quốc gian khổ thời phong kiến đến một Phú Quốc kiên cường trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và đi lên trong công cuộc dựng xây hôm nay. Những bậc cầu thang nhỏ đưa chúng tôi lên không gian của tầng ba với những bộ sưu tập gốm cổ. Ai nấy đều ấn tượng và ngỡ ngàng trước mô hình con tàu đắm được khai quật ở bờ đông đảo nằm trải dài suốt tầng bốn bảo tàng. Vừa ve vuốt mặt tàu gỗ nhẵn thín, chúng tôi vừa mải miết chiêm ngưỡng những cổ vật gốm Thái-lan vớt lên từ thân tàu được xác định có từ thế kỷ 15-17. Nào bát, nào lọ, nào hũ men nâu đen, tất cả khiến chúng tôi bất ngờ khi phát hiện ra từ rất sớm, đảo ngọc đã nhộn nhịp những hoạt động giao lưu, mua bán sầm uất bằng con đường thông thương trên biển. Có tới Cội Nguồn mới hiểu tấm lòng của bà Kim Giao cũng như công sức của những người dân khai khẩn Phú Quốc đầu tiên. Có tới Cội Nguồn mới biết cảm giác được lạc vào những hang động thời tiền sơ sử, mới biết những gian nhà cổ được làm từ vỏ cây kiền kiền-loại gỗ chỉ còn sót lại rất ít, những dụng cụ nhà bếp cổ xưa... Và có tới Cội Nguồn mới biết trên một hòn đảo còn neo dân đã rợp bóng những lễ hội văn hóa đặc sắc như: lễ hội Dinh Cậu, dinh thủy Long Thánh Mẫu, đình thần Dương Ðông,... Ðể rồi, mang theo tất cả những xúc cảm, mỗi người chúng tôi lại dạo bước lên tầng năm, thu vào tầm mắt mình muôn trùng bao la gió biển, mây trời...
Tinh tế mà chân thực, bằng tất cả sức lôi cuốn của mình, Cội Nguồn đã khắc vào cảnh quan Phú Quốc một dấu ấn lịch sử văn hóa rất riêng về chính hòn đảo hình giọt lệ. Ấy cũng là minh chứng sống động cho niềm đam mê cũng như cái tâm của người đã nhọc công gây dựng bảo tàng. Hỏi thăm bất kỳ người dân nào nơi huyện đảo, hầu như ai cũng thuộc nằm lòng câu chuyện của chàng thanh niên trẻ tên Huỳnh Phước Huệ. Năm 1997, sau khi kết thúc sáu năm đèn sách tại Ðại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, người con của Phú Quốc quyết tâm trở về phục vụ quê hương với vai trò hướng dẫn viên du lịch. Càng đi nhiều, càng hiểu hơn và yêu hơn mảnh đất nơi anh đã sinh ra, niềm đam mê cổ vật trong anh càng lớn. Vậy là ròng rã suốt mười năm trời, Huệ không ngừng nhặt nhạnh những gốc cây rừng khô, những hòn đá cuội rải rác ven gành, những vỏ ốc, vỏ sò nằm lăn lóc trên các bãi biển,... và say sưa chụp lại những di tích, biểu tượng kiến trúc cổ ở bất cứ nơi đâu anh đi qua. Thấy chàng trai trẻ có thân hình mảnh khảnh, nước da ngăm đen lúc nào cũng khư khư ôm giữ những mảnh bát gốm vỡ sần sùi, những phiến gỗ sứt sẹo, bẩn mốc, thoạt đầu ai nấy đều buồn cười. Chỉ đến năm 2002, khi thấy vợ chồng Huệ đầu tư mở một điểm tham quan trưng bày cổ vật Phú Quốc, người ta mới trầm trồ gọi anh là "người giữ hồn cho đảo". Ðể rồi năm 2009, sau khi đã có một nguồn vốn nhất định, chàng thanh niên 37 tuổi đã dám đầu tư năm tỷ đồng để xây Bảo tàng Cội nguồn-Bảo tàng tư nhân thứ chín của Việt Nam, cũng là bảo tàng tư nhân duy nhất ở Phú Quốc. Sáu héc-ta đất giữa đảo được tận dụng triệt để để lưu giữ hồn vía Phú Quốc với hơn 3.000 cổ vật quý hiếm, trong đó 2.645 cổ vật gốm, sứ, đá, đồng đã được UNESCO công nhận, hơn 300 bộ thư mục quý bằng các chữ Hán, Việt, Pháp, Anh, hơn 100 tác phẩm tranh nghệ thuật dân gian... Cùng với những câu chuyện lịch sử được phục dựng và kể lại một cách sinh động, bảo tàng Cội Nguồn đã trở thành điểm đến "có một không hai" của Phú Quốc, độc đáo và kỳ thú từ khung cảnh, kiến trúc đến hiện vật.
MEN theo những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, uốn lượn theo triền dốc, từ bảo tàng, chúng tôi còn được đến thăm khu trưng bày mỹ nghệ gỗ lũa, khu mỹ nghệ ốc biển, gian trưng bày các sản phẩm trang sức và lưu niệm làm từ ngọc trai, khu phục dựng nhà sàn truyền thống Phú Quốc, nhà thờ họ tộc, tín ngưỡng dân gian, cùng các khu bảo tồn chó xoáy, đại bàng biển và ó biển... Mỗi gian trưng bày lại đem đến những xúc cảm khác nhau về thiên nhiên và con người Phú Quốc. Người Việt Nam và bạn bè quốc tế vẫn hay rung động trước vẻ đẹp hoang sơ nhưng mỹ lệ, phóng khoáng của huyện đảo Phú Quốc. Nhưng đến với Cội Nguồn, người ta sẽ còn nhận ra nét sâu lắng, thâm trầm, kết tụ tinh hoa đất trời đảo ngọc, đúng như hai câu thơ mà GS Vũ Khiêu đã tặng Cội Nguồn khi có lần tới thăm Phú Quốc: "Chắt lọc tinh hoa kim cổ lại/Nêu cao nguồn cội nước non này".
Bài và ảnh: HỒNG TRANG
nhandan.org.vn








0 nhận xét:

Đăng nhận xét