Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Người thầy dạy toán ở nhà ngục Phú Quốc

Ở nhà tù Phú Quốc ngày ấy, cái sống, cái chết chỉ cách nhau gang tấc; dù phải chịu nỗi cùng cực tù đày song vẫn có những lớp học được dựng lên ngay dưới họng súng quân thù.
Người thầy dạy toán ở nhà ngục Phú Quốc
Ông Hoàng Văn Nhậm, người thày giáo trong nhà tù Phú Quốc.
Dù phải học trên cát, không giấy, không bàn, không bảng đen phấn trắng, học trong nỗi lo sợ bị địch rình mò, lớp học ấy vẫn hoạt động đều đặn và là nơi rèn luyện ý chí đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng. Tôi biết đến "lớp học trên cát" từ Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, qua những chiếc bút bằng sắt tù binh tự tạo để học được bày ở đây. Qua câu chuyện của những tù binh năm ấy, tôi đã tìm gặp một trong những người thầy dạy học ở nhà tù Phú Quốc. Ông là Hoàng Văn Nhậm ở làng Nho Tống, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, Hà Tây (nay là thị trấn Phú Minh, Phú Xuyên, Hà Nội). Hiện ông là Phó Ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Phú Xuyên, Ủy viên Ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày Hà Tây (thuộc Hà Nội).
Trận quyết tử giữa vòng vây địch
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4, khuất trong ngõ nhỏ, ông Nhậm như ngần ngại kể về mình nhưng ánh mắt lại sáng lên, hào hứng và đầy cảm xúc khi kể về đồng đội và "lớp học trên cát" ngày ấy.
Năm 1968, khi đang là học trò cấp 3 trường huyện cậu thanh niên Hoàng Văn Nhậm xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Tập luyện vài tháng ông lên đường vào Nam và được phiên chế vào sư đoàn 32B, đến tháng 9/1968 thì hành quân vào chiến trường miền Nam. Mấy tháng trời hành quân ròng rã, những cảm nhận đầu tiên của ông là hình ảnh các bà mẹ miền Nam Trung Bộ rất đỗi hồn hậu, yêu bộ đội như con. Nhưng mẹ cũng thật thà nói rằng: “Các con ơi! Ngày nào má cũng ra đây đón các con từ miền Bắc vô nhưng má chưa thấy ai ra”. Câu nói chân thật, chất phác của người mẹcũng khiến nhiều người rưng rưng trong dạ nhưng vì miền Nam, người chiến sĩ đâu ngại hi sinh? Đến miền Nam, Hoàng Văn Nhậm được chuyển vào sư đoàn 31 quân chủ lực. Nhiệm vụ của ông và đồng đội là đánh thọc sâu, đánh"'nở hoa" trong lòng địch, đánh quấy nhiễu để địch không thể tập trung quân. Số lượng quân mình ít nên phải đánh theo kiểu "lấy ít địch nhiều" khiến giặc hoang mang.
Đầu năm 1970, đơn vị được lệnh phá trận địa pháo của địch tại đỉnh núi Chúa, Vùng A huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Phiên chế quân cho trận đánh có 22 người, chưa hề được huấn luyện đặc công song lại đánh kiểu đặc công. Đội chia làm 2 mũi tiến công, mũi một là mũi chủ công có 13 đồng chí khi tấn công vấp phải sự phản kháng của địch nên không thể tiến được. Mũi thứ 2 có ông và 8 đồng đội khác đã cắt được rào thép gai, đột nhập vào bên trong, đến giờ nổ súng vẫn không thấy mũi chủ công phát lệnh, cả nhóm rơi vào tình thế muốn thoát ra cũng không được. 9 anh em quyết đánh đến cùng. 9 chiến sĩ xông lên và 7 người nằm lại, không thể trở về. Ông Nhậm bị trúng nhiều mảnh đạn, mảnh lớn nhất là đạn pháo văng vào bụng khiến ruột lòi cả ra ngoài, nhanh tay ông ấn ruột vào trong và lấy gạc quấn quanh bụng rồi lết đến bụi rậm ẩn nấp… Mất máu nhiều khiến ông ngất đi không biết gì nữa.
Khi tỉnh dậy, ông thấy mình nằm trong viện, xung quanh toàn lính Mỹ, ông nhủ thầm “Thà chết, quyết không để địch khai thác”. Địch đưa ông vào khai thác ở trại giam Long Bình, bỏ đói 3 ngày, không cho ăn chỉ cho uống nước. Đến ngày thứ 4, chúng mang đến một bát cơm thiu chua vữa, thức ăn đầy ruồi muỗi chết và cọng rau thừa, chúng dụ dỗ nếu theo quốc gia thì được ăn sung sướng. Không lay động được ý chí người chiến sĩ cách mạng, bọn chúng trói giật cánh khuỷu ông lên và đánh ngất lên ngất xuống. Cuối cùng, chúng tống ông lên máy bay, chở ra nhà tù Phú Quốc. Trên máy bay, ông đã nhìn thấy dòng chữ: "Phú Quốc mồ chôn tuổi trẻ".
Lớp học dưới họng súng cai tù
Khi đến Phú Quốc, ngay từ khi bước chân xuống, những tên cai ngục dùng cây gậy để đếm số tù nhập trại. Mỗi gậy bổ xuống đầu những người tù là một con số đọc lên. Cai ngục bắt tất cả anh em phải chào cờ chế độ cũ, ai không chào đều bị chúng đánh đập dã man bằng những "roi cá đuối", "gậy biệt ly" rồi nhốt vào chuồng cọp phơi ngoài nắng.
Khủng khiếp hơn, chúng dùng trò tra tấn gọi là "B52". Người bị nhốt vào chuồng cọp nhỏ không thể cựa quậy được, bên trên chúng dùng dây nilon đốt cháy như những chiếc máy bay B52 bỏ bom, những giọt nhựa còn nóng rơi xuống cơ thể gầy guộc, hằn sâu từng vết cháy da cháy thịt. Mùi khét của nilon xông thẳng vào mũi khiến người tù chỉ còn thoi thóp thở.
Chứng kiến cảnh tra tấn khủng bố tinh thần chiến sĩ như thế, ông Nhậm trăn trở, phải nghĩ cách gì đó để tăng cường học tập kiến thức văn hóa, như một cách rèn luyện ý chí để các chiến sĩ cách mạng ngày càng kiên cường hơn.
Do có trình độ cấp 3, chi bộ Đảng bí mật trong nhà tù phân công Hoàng Văn Nhậm phụ trách dạy toán cấp 3 cho cho 3 bạn tù. Khi đi lấy củi, các bạn tù thường tranh thủ nhóm nhau lại giải toán trên cát, lúc ở trong buồng giam anh em giấu cái bảng phết mỡ hoặc những tờ giấy bóc ra từ bìa các tông ép phẳng làm giấy. Bút cắt ra từ mảnh tôn hoặc mẩu thép gai uốn thẳng công phu. Trong thứ cá tạp (cá lông hội) mà cai ngục vẫn cho anh em tù ăn, có lẫn những con mực nhỏ, anh em nào được phân công nấu ăn đều lén giấu những con mực đó rồi lấy chất dịch đen bên trong chúng để làm mực viết. Giáo án, sách giáo khoa không có, "thầy" Nhậm nhớ cái gì dạy anh em cái đó. Không chỉ có khó khăn mà còn phải sẵn sàng trả giá bằng máu nếu địch phát hiện.
Người thầy dạy toán ở nhà ngục Phú Quốc
Hiện vật mô phỏng cảnh tra tấn của quân đội chế độ cũ với tù chính trị tại Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày của ông Lâm Văn Bảng tại Phú Xuyên, Hà Tây.
Niềm vui bình dị và cuộc hội ngộ bất ngờ
Tổng cộng 2 năm rưỡi trong nhà tù Phú Quốc, "thầy giáo" Nhậm đã dạy được 6 học sinh. Khi Hiệp định Paris được ký vào năm 1973, địch trao trả tù binh. Ông Hoàng Văn Nhậm cũng nằm trong số đó, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông xin phục viên về nhà với thương tật 61%, trong mình vẫn còn găm 20 mảnh đạn. Trở về quê hương, lại xây dựng cuộc sống với cái cày, con trâu, tối tối đi dạy bổ túc không lấy công. Dù cực nhọc, ông vẫn kiên cường vượt lên, đưa gia đình thoát nghèo và nuôi các con ăn học đầy đủ. Biết năng lực của ông, Đảng bộ chính quyền xã tin tưởng cử ông làm cán bộ phụ trách tài chính xã. Hơn 10 năm làm tài chính xã ông vẫn giữ vững phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ trong thời bình.
Cách đây khoảng 15 năm, có một người tìm đến tận nhà "thầy giáo" Nhậm. Lúc đầu bối rối chưa nhớ ra tên nhưng ông đã nói ngay: “Có phải cậu là người mỗi lần có bài toán không giải được, ngay cả khi tôi đang ngủ cậu cũng khua tôi dậy bằng được để giảng bài cho cậu đúng không?”. Người học trò và người thầy chỉ hơn nhau vài tuổi ôm chầm lấy nhau mà nước mắt chan hòa.
Người học trò ấy là Nguyễn Văn Cử, ngày vào tù ông mới đang học lớp 6, sau 2 năm rưỡi ở nhà tù Phú Quốc, ông đã có trình độ tương đương cấp 3, trở về ông Cử thi vào Đại học và sau này công tác tại Viện Khoa học nhiệt đới Trung ương. Sau chừng ấy năm, họ không thể nghĩ có thể gặp được nhau trong cảnh thanh bình. Ngoài ra còn có những cái tên khác từ lớp học trong nhà tù Phú Quốc như ông Nguyễn Hữu Độ từ trình độ cấp I mà học đến toán học vi phân, tích phân. Ông Trần Bá Hoành, người Hưng Yên bắt đầu học từ lớp 3, ra tù có đủ trình độ để đi học trường tuyên giáo về làm cán bộ chính trị của huyện. Ông Tấn Phương khi ra tù, thi vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, sau trở thành Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, thuộc Ban Văn hóa - Tư tưởng Trung ương.
Sau khi xin thôi công việc ở xã, “thầy giáo trong tù” Hoàng Văn Nhậm đảm nhận vị trí Phó ban liên lạc các chiến sĩ bị địch bắt tù đày huyện Phú Xuyên và Ủy viên Ban liên lạc chiến sĩ bị địch bắt tù đày Hà Tây. Giờ mỗi khi trái gió trở trời, vết thương của ông lại tấy lên đau nhức nhưng ông luôn quên đi đau đớn của bản thân để thường xuyên đến với đồng đội, với gia đình đồng đội và là cầu nối xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Ông cười khi nói về công việc đang làm của mình: “Đấy là niềm vui bình dị và việc nên làm của tôi”.
THÀNH NHÂN
http://infonet.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét