Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Truy tìm căn cước chó Phú Quốc


Từ đầu thế kỷ 19 đã có sáu cá thể chó Phú Quốc được đưa về châu Âu. Trong đó, có bốn con thuộc sở hữu của ông Fernand Doceul, một quan chức người Pháp nắm quyền ở các tỉnh Nam bộ và Campuchia.

Qua tới Pháp chỉ ba con còn sống và được tặng cho vườn thực vật Paris. Trong nhiều tạp chí chuyên ngành, những con chó Phú Quốc ấy đã được nhiều nhà động vật học thời đó xem xét và đề cập tới như giống chó duy nhất trên thế giới có dải lông mọc ngược. Đáng kể nhất là tác giả Henri de Bylandt, một bá tước người Hà Lan, đã soạn bản Tiêu chuẩn cho chó săn thỏ Phú Quốc để đưa vào cuốn sách Les races de chiens, ấn bản năm 1897, giới thiệu cùng với tiêu chuẩn của trên 300 giống chó khác.
Bí mật trăm năm trong sổ phả hệ của Hiệp hội hoàng gia...

Hai chó Phú Quốc còn lại thuộc sở hữu của ông Gaston Helouin, sống tại Helfaut, Pas-de-Calais, miền bắc nước Pháp. Đó là Xoài (chó đực, tên Pháp là Mango) và Chuối (chó cái, tên Pháp là Banane), từng đoạt giải thưởng tại cuộc thi chó đẹp đầu tiên ở thành phố Lille (Pháp) vào năm 1894, sau đó đoạt mềđay A và B của cuộc triển lãm chó đẹp hoàn vũ, diễn ra tại Anvers (Antwerpen), nước Bỉ từ ngày 14 tới 16-7-1894.

Từ những năm 1980, có một nhà sư phạm gốc Việt đã dành phần lớn thời gian, công sức và tiền bạc để sưu tầm các thư tịch cổ của phương Tây, qua đó chứng minh rõ về quá khứ lẫy lừng của chó Phú Quốc qua các tài liệu khoa học hồi thế kỷ 19. Đó là giáo sư Dư Thanh Khiêm - hiệu trưởng Viện Giáo dục Woluwe-Saint-Pierre, ở Bruxelles (Bỉ).

“Với cuốn Les races de chiens, điều tuyệt vời nằm ở chỗ những chứng cứ khoa học hiển nhiên về chó Phú Quốc đã sớm được ghi nhận từ 117 năm trước. Bên cạnh đó lại có một điều bí mật nằm trong cuốn catalogue của cuộc thi hoàn vũ tại Anvers: những con chó thắng giải, được ghi vào catalogue này thì cũng được ghi tên vào sổ phả hệ của Hiệp hội SRSH (Hiệp hội Hoàng gia Thánh Hubert - vị thánh bổn mạng của tất cả thú vật) của Vương quốc Bỉ - giáo sư Khiêm bật mí - Trong bối cảnh FCI chưa ra đời, điều này có nghĩa chó Phú Quốc đã được một trong năm thành viên sáng lập FCI nhìn nhận. Tuy cuốn catalogue này đã biến mất khỏi “Tàng kinh các” của Hiệp hội SRSH Bỉ, nhưng tôi vẫn sưu tầm được bản phóng ảnh tài liệu hiếm hoi ấy, khiến một số anh em ở Việt Nam khi được xem đã không khỏi xúc động!“.

Bốn năm tâm huyết cho nước cờ đầu

“Cũng trong thập niên 1980, có một anh bạn đã ra Phú Quốc tìm mua chó với mục đích đưa sang Bỉ, trao cho tôi để tìm cách đăng ký bản tiêu chuẩn với FCI. Cuối cùng, anh bị “kẹt“ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Lần thứ nhì, có một anh bạn khác cũng làm như vậy, song lại bị hải quan Thái Lan tịch thu chó! Những nhiệt tình đóng góp của chúng tôi đã kết thúc qua tiếng thở dài của anh bạn: “Trễ rồi, bạn ơi! Chó Thái đã được nhìn nhận, mình đành bó tay thôi! - giáo sư Khiêm kể - Tôi không muốn khoanh tay ngồi nhìn vì giải pháp vẫn còn đó. Ngạn ngữ Pháp có câu “Hãy nhanh lên một cách chậm chạp”. Tôi nhận thức được rằng cần có sự chung sức của những người tâm huyết với chó Phú Quốc, để từng bước một sẽ cùng nhau cố gắng đạt ước mơ đưa con chó Phú Quốc trở lại với vị trí vinh quang từng có”.

Giải pháp mà ông vạch ra chính là: cần lập ra một hiệp hội quốc gia của Việt Nam về chó giống để đăng ký là thành viên dự bị của FCI; xây dựng bản tiêu chuẩn chó Phú Quốc dựa trên bản tiêu chuẩn mẫu mực về chó Phú Quốc mà bá tước Henri de Bylandt đã mô tả; tổ chức các dogshow để thu hút nhiều chó đẹp dự thi, nhất là chó Phú Quốc, từ đó xác nhận giống và chớp thời cơ đưa chó Phú Quốc ra thế giới vào năm 2011.

“Khi FCI long trọng tổ chức dogshow thế giới kỷ niệm 100 năm tuổi ở Paris, chúng ta có quyền mang chó Phú Quốc dự thi, tạo bàn đạp để đề nghị FCI công nhận lại một giống chó đã được ghi nhận từ sổ phả hệ của Hiệp hội SRSH của Bỉ, chứ không phải là một giống chó mới“ - giáo sư Khiêm phân tích.

Ngày 11-1-2007, ông Yves de Clercq, giám đốc điều hành FCI, đã có thư gửi giáo sư Khiêm, nêu rõ: “Cơ quan FCI có hai tập sách của bá tước Henri de Bylandt và quả thật chúng tôi đã có dịp ngưỡng mộ giống chó này, chó săn Phú Quốc mà hình như hồi xưa khá phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay giống chó này không còn nằm trong danh sách những giống chó được FCI nhìn nhận, duy chỉ có hiệp hội quốc gia chó giống của nước có giống chó được quyền đề nghị FCI nhìn nhận giống chó ấy...”.

Lá thư của lãnh đạo FCI càng chứng tỏ tầm nhìn xa của giáo sư Khiêm cùng các bước đi được “lập trình chặt chẽ“. Vì vậy, nhiều sự kiện quan trọng đã diễn ra lần lượt tại Việt Nam kể từ năm 2007: tổ chức hội thảo đầu tiên về chó Phú Quốc, mở đại hội thành lập Hiệp hội Những người nuôi chó giống Việt Nam (VKA) năm 2008 và nộp đơn xin gia nhập FCI (2009), thông qua bản tiêu chuẩn chó Phú Quốc (2009) và bắt đầu tổ chức các cuộc thi chó giống. Tháng 10-2010, tại Dortmund (Đức), Đại hội đồng FCI đã thông qua quyết định chấp thuận cho VKA gia nhập FCI trước hết với hình thức đối tác theo hợp đồng, theo điều lệ của FCI...

Ngày 28-1-2011, giáo sư Khiêm chia sẻ trên Diễn đàn chó thuần chủng Việt Nam (DIV): “Sự hỗ trợ nhiệt tình của tổng thư ký Hiệp hội Quốc gia chó giống Pháp (SCC) đã mang lại kết quả mong muốn. Lãnh đạo giải vô địch thế giới 2011 chính thức chấp nhận việc chó Phú Quốc dự thi dogshow mang ý nghĩa lịch sử này. Thế giới đang mở rộng vòng tay chào đón chúng ta”.

Ngày 1-7-2011, giáo sư Khiêm viết tiếp trên diễn đàn này: “Như một lời nhắn gửi... Với sự giúp đỡ của anh em, ngày 20-7-2007 trong buổi họp báo tại TP.HCM, tôi đã nói đến ước mơ nhìn thấy con chó Phú Quốc được nhìn nhận trên đấu trường quốc tế trước khi vẫy tay chào cuộc đời. Cảm ơn lãnh đạo FCI đã hỗ trợ đất nước chúng ta. Cảm ơn lãnh đạo SCC Pháp Jean Jacques Dupas, một người bạn gần 40 năm qua - những người đã cho phép chó Phú Quốc tham dự sự kiện lịch sử 100 năm. Tôi đã làm những gì có thể và không hề hổ thẹn với lương tâm. Trong những giây phút tưởng mình lìa xa cuộc sống, những ý tưởng cuối cùng dành cho quê hương yêu dấu. Mong mỗi người trong chúng ta ý thức trách nhiệm của mình”.

Những ngày qua dù còn trong bệnh viện, vị cố vấn này của VKA vẫn liên tục gửi email về, động viên VKA cố gắng tổ chức chu đáo dogshow quốc tế đầu tiên của Việt Nam vào cuối năm nay, nhằm đạt tới một điều kiện cần có “để bốn năm tới chúng ta sẽ là thành viên dự bị của FCI, có thể tái đăng ký chó Phú Quốc vào danh sách của FCI...”.

Mới đây, một ủy viên ban chấp hành VKA vừa kể với chúng tôi: giáo sư Khiêm từng gợi ý anh em về việc dựng tượng chó Xoài trên đảo Phú Quốc...
Theo Tuổi Trẻ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét