Hồ Tiêu Phú Quốc
Hồ tiêu Phú Quốc có vị thơm và cay nồng và đặc biệt là đậm vị hơn nhiều loại hồ tiêu đến từ những vùng miền khác, trong đó phải kể đến tiêu đỏ. Tiêu được người dân Phú Quốc thu hoạch từng đợt chín và chủ yếu là bằng thủ công, chọn lựa những quả chín riêng phân ra thành 3 loại: tiêu đỏ, tiêu sọ và tiêu đen.
Tiêu Phú Quốc nổi tiếng vì vỏ mẩy, hạt chắc, cay và thơm nồng không nơi nào sánh kịp. Người dân Phú Quốc bảo tồn nghề trồng tiêu không những vì mục đích kinh tế mà còn có giá trị lớn về văn hóa, du lịch. Tiêu là một đặc sản địa phương
và là món quà độc đáo với khách du lịch gần xa. Các vườn tiêu luôn được đưa vào danh mục điểm đến trong các tuor du lịch Phú Quốc. Quý khách đặt chân tới vườn tiêu vào thời điểm thu hoạch, quý khách sẽ trầm trồ khi ngắm nhìn tiêu chín đỏ trên cây, thưởng thức mùi thơm cay nồng và học hỏi kinh nghiệm từ chính những nông dân đã gắn bó với vườn tiêu nhiều thế hệ.
Ở vùng biển Phú quốc có nhiều Hải Sâm mà nhân dân gọi là “Đồn Đột” hoặc “Đột ngậu”,Hải Sâm là món hải sản được ưa thích vì có độ dinh dưỡng cao, một loại thực phẩm cao cấp. Thường những ngư dân chài lưới đánh bắt được loài Đột trắng, đây là loài thường sống ở các bãi biển, nước sâu từ ba đến bốn sải tay. Săn bắt con Đồn đột, gọi là “lặn đột” có đặc điểm riêng.
“Lặn đột” thường phải lặn đêm , có đèn. Độ sâu khoảng 15,20 “sải”.Công việc này hơi mất thời gian bởi sau khi bắt Đồn đột lên, người thợ phải sấy khô rồi mới bán cho vựa,giá gốc khoảng 120.000, 130.000 đ/kg. Nếu may mắn “trúng”, thợ đêm có thể bắt được khoảng 7 ,8 kg. Bà con ngư dân thường săn bắt khi biển êm, trái lại loài Đột trắng vùi mình dưới cát khi biển động. Loài Đột đen có hình dạng tương tự như Đột trắng, khi phơi khô to bằng trái chuối cau, màu đen sậm, phần trong cũng có màu đen. Loài Đột đen có giá trị cao hơn Đột trắng.
Nước mắm Phú Quốc là một trong các loại nước mắm không những nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được biết ở nhiều nước trên khắp thế giới. Nước mắmPhú Quốc được sản xuất từ nguyên liệu chính là cá cơm Phú Quốc, có truyền thống trên 200 năm.
Nước mắm Phú Quốc đã được công nhận tên gọi xuất xứ “nước mắm Phú Quốc” tại châu Âu.
Nước mắm được sản xuất trong những thùng gỗ lớn, nó đóng vai trò như là một thùng lên men trong ngành sản xuất rượu bia nhưng thời gian lên men dài hơn, có khi đến 1 năm. Trước kia thùng đựng nước mắm thường làm bằng cây bời lời vì cây này mềm nên khi niền không có chỗ hở, hiện nay loại cây này khó kiếm nên người ta dùng vên vên và chai. Thùng được niền bằng song mây có nhiều ở núi Ông Tám và Bắc Đảo.
Bất cứ loại cá nào cũng có thể sử dụng để làm nước mắm, nhưng người sản xuất nước mắmPhú Quốc chỉ sử dụng duy nhất loại cá cơm làm nguyên liệu. Cá cơm có nhiều loại: Sọc Tiêu, Phấn Chì, Cơm Đỏ, Cơm Lép, Sọc Phấn, Cơm Than. Loại cá cơm cho nước mắm ngon nhất là Sọc Tiêu và Cơm Than. Người ta trộn 2 hay 3 phần cá với 1 phần muối rồi để đến 1 năm, càng để lâu hàm lượng đạm càng cao nhưng nước mắm ít thơm và màu bị sậm hơn. Người ta còn chôn nước mắm vài ba năm, lúc đó màu nước mắm thành đen gọi là nước mắm lú, dùng để chữa bịnh. Nếu dùng cá ươn thời gian sẽ mau hơn nhưng nước mắm không thơm và màu không đẹp.
Tham quan chợ Dương Đông – ngôi chợ lớn nhất của huyệnđảo Phú Quốc – khách ngợp mắt trước đủ loại hàng hóa “nhập” từ đất liền hoặc từ các tàu biển. Nhưng thu hút khách phương xa nhất vẫn là những đòn bánh tét mật cật.
Ở Phú Quốc, người dân gói bánh tét bằng lá mật cật. Bánh dậy mầu xanh ngọc, nhân đậu ăn bùi, béo.
Mật cật là loại cây có lá xòe rộng như lá cọ, mọc đầy trên dãy núi Hàm Ninh. Người ta thường dùng lá mật cật để chằm nón lá. Nhưng ở Phú Quốc, lá chuối đâu phải hiếm nhưng chẳng biết can cớ gì lại dùng loại lá này gói bánh tét? Điểm độc đáo nữa của bánh tét mật cật là không gói thành đòn tròn mà gói thành đòn hình tam giác.
Để có đòn bánh này, trước tiên người ta phơi lá mật cật hơi héo, rửa và lau lá bằng dầu cho mềm thêm. Nếp gói bánh xanh ngọc bích và mùi thơm hấp dẫn. Đậu xanh cà nấu nhừ cùng dây thịt mỡ làm nhân. Gói đòn bánh tét mật cật là việc làm công phu vì mặt lá hẹp. Nhưng buộc dây sao cho đòn bánh không quá chặt hoặc quá lỏng đòi hỏi tay nghề cao.
Buộc chặt quá, có khi bánh sống hoặc khô. Buộc lỏng, bánh nong nước. Không ngon. Đặc biệt, bánh tét mật cật không xào nước cốt dừa nên để được lâu ngày. Đòn bánh lớn 10.000 đồng, đòn nhỏ 5.000 đồng.
Loại nấm này có nhiều ở Phú Quốc và có thể làm món gà luộc xúp nấm hoặc chọn cá rựa, cá nhồng lấy thịt làm chả cá viên nấu với nấm thì phải biết… ngon tuyệt cú mèo!
Nấm tràm chỉ mọc sau những cơn mưa đầu mùa trong các rừng tràm. Lá và vỏ của cây tràm rơi rụng thành từng lớp của mùa trước đã bắt đầu biến thành lớp mùn là nơi để nấm tràm phát triển. Meo nấm được ấp ủ trong lớp mùn đất, sau loạt mưa đầu mùa, những chiếc nấm tròn nhỏ cỡ đầu ngón tay út bắt đầu vươn mình ra khỏi lớp vỏ và lá tràm bảo vệ nó từ mùa trước. Nấm tràm bắt đầu rộ dần và kéo dài khoảng hơn tháng thì hết mùa.
Sau một, hai cơn mưa đầu mùa, những người sống bằng nghề hái nấm đã bắt đầu chuẩn bị thu hoạch nấm tràm. Họ vào rừng, thăm những khu vực để xem nơi nào nấm đã bắt đầu phát triển, độ một tuần sau là có thể đến nơi có nấm để thu hoạch. Thường họ đi cả gia đình, cặm cụi hái cả ngày đến khi đầy giỏ mới ra về.
Rời rừng tràm, mang những bao nấm hái được, họ ghé ngang nhà của cư dân sống gần đó, chia lại vài con gà giò và sẵn mượn luôn nồi, bếp. Gà luộc vừa chín tới, cho một mớ nấm tươi mới hái đã chuẩn bị sẵn vào. Nồi nước luộc gà trở thành món xúp nấm chưa ăn đã thấy thèm. Cả đám xúm vào xé gà chấm muối ớt, nhai quên cả nói năng. Nhưng ngon nhất lại là những chén xúp nấm nóng hổi, những chiếc nấm vừa chín cho vào miệng cảm giác giòn, xốp, càng nhai càng thấy vị đắng nhân nhẩn cứ lan dần. Húp miếng nước xúp ngọt lừ mùi vị của nấm và thịt gà, lúc này vị của nấm mới thấy rõ, đắng nhưng thật thanh. Chính cái vị đắng này mà nhiều người đâm ghiền món nấm tràm. Họ ăn nấm nhưng không uống nước, để sau buổi ăn mới bày thêm bàn trà nhâm nhi như để tận hưởng thêm hương vị có một không hai của nấm tràm.
Ở Phú Quốc, nấm tràm được nấu với tôm, mực là một món ăn phổ thông, nhà nào tới mùa cũng có. Nhưng nếu chịu khó một tí, kiếm cá rựa hoặc cá nhồng lấy thịt làm chả cá viên nấu với nấm thì mới đúng là tuyệt cú mèo. Khi chuẩn bị ăn, đập vào nồi nước sôi mấy cái hột vịt như người miền Tây hay ăn chè đậu xanh cho trứng vịt, ăn kiểu này cũng là một gu đặc sắc của món nấm tràm.
Trước đây, không phải người nội trợ nào khi xách giỏ ra chợ cũng dám chọn cho gia đình mình món cua trong bữa ăn hằng ngày, mỗi khi nhắc đến món cua, người ta đều e ngại trước hết về giá cả. Còn trong các nhà hàng sang trọng thì dù giá cả như thế nào, cũng không thể thiếu được món cua trong thực đơn, vì cua là đặc sản và món cua cũng là một món ngon được nhiều người chọn để mời khách quý.
Nhưng thời gian gần đây, khi Cà Mau chuyển dịch sang nuôi tôm, những vuông tôm chiếm diện tích ngày càng lớn thì cua cũng nhiều hơn. Có nơi người ta đào vuông nhưng không thả tôm, mà chủ yếu để nuôi cua, ven bờ những vuông nuôi cua phải được rào, bao kỹ. Người ta câu cua bằng một cách vất vả hơn câu cá rất nhiều, nhưng nếu người nào giỏi thì một ngày câu cua thu lợi gấp mấy lần câu cá. Người ta làm một dụng cụ gần giống với cái vó, nhưng nhỏ thôi, có lưới, thường những xuồng câu cua chuyên nghiệp hay đóng sạp cao, khoang xuồng lúc này giống như cái thùng dùng làm chỗ chứa cua, có nắp mở lên đóng lại, dụng cụ câu cua có dây kéo, mồi câu thường là con lịch hoặc con đẻn. Đó là những xuồng câu trên sông, còn ở trong vuông tôm, người ta câu cua thường xuyên vì sợ cua ăn hết tôm, dụng cụ câu cua phải có cần để dễ dàng hạ xuống cất lên. Ở những vuông lớn, đi dọc theo bờ, thả câu hết một lượt, quay lại thăm là vừa lúc. Khi cua bắt mùi được mồi, say mồi thì người câu chỉ việc cất vó lên, bắt cua trói lại. Trói cua là cả một nghệ thuật, nếu bạn không khéo, sẽ bị cua kẹp ngay.
Năm nay cua bày bán ở các chợ ở Cà Mau rất nhiều, chất lượng cua gạch cũng khá cao, gạch vừa nhiều thịt lại chắc, mà giá cả được nhiều người chấp nhận, một kilôgam cua có giá dao động từ 45.000 đồng cho tới 60.000 đồng. Ngay đúng vào con nước thì cua càng nhiều, càng ngon và dĩ nhiên càng rẻ hơn. Ở các nhà hàng cũng như trong các bữa tiệc thông thường thì cua chế biến ra rất nhiều món: súp cua, cua rang me, cua rang muối, chả cua… đơn giản nhất là cua luộc.
Cách làm món chả cua khá công phu: đầu tiên phải rửa sạch cua, đem luộc, khi cua chín gỡ thịt cua trộn với thịt bằm, trứng, gia vị, bún tàu, phi ít tỏi cho thật thơm trộn chung rồi bỏ vào xửng hấp chín, để lên mặt vài cọng ngò, có thêm chén muối tiêu chanh bên cạnh là món ăn của bạn hoàn tất rồi đó. Nếu cầu kỳ hơn bạn có thể nướng xửng chả trên lửa than độ vài phút, món chả của bạn sẽ thơm hơn. Còn muốn cho món ăn thêm phần hấp dẫn thì bỏ phần chả đã trộn sẵn vào từng cái mai cua rồi cũng đem hấp chín hoặc cầm từng cái mai cua có sẵn chả đó đem chiên trong chảo mỡ nóng cũng rất ngon. Là cư dân trên vùng đất có ba mặt giáp biển, chờ đúng con nước, cua nhiều, chắc thịt, bạn hãy trổ tài chế biến thử món chả cua này nhé.
Trong sự phong phú về nguồn thực phẩm của biển và sự độc đáo của cách chế biến, từ lâu, gỏi cá trích đã trở thành là món ăn mang đậm hương vị của vùng biển đảo Phú Quốc được nhiều người ưa thích, bởi nó cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của con người. Món ăn dân dã này còn được xem là món ăn đặc sản của Phú Quốc, được nhiều thực khách biết đến. Điều này đã góp phần làm phong phú nét đẹp văn hóa ẩm thực biển đảo Phú Quốc.
Cá trích có rất nhiều ở vùng biển Phú Quốc và ngư dân có thể khai thác quanh năm. Vì thế, việc lựa chọn những con cá mới đánh bắt được còn tươi để làm gỏi là không mấy khó khăn. Đây cũng là lợi thế của biển đảo Phú Quốc và cũng là điều kiện thuận lợi để cho cư dân ở đây nghĩ ra cách chế biến gỏi cá trích.
Cá trích mang về cạo sạch vảy rồi rửa thật sạch, sau đó thái mỏng ra từng miếng một. Kế đến vắt lấy nước cốt chanh, ớt thái mỏng thành sợi, củ hành tây thái nhỏ rồi trộn đều lên cá trích đã thái sẵn. Bánh tráng, rau sống, dừa khô là những thứ không thể thiếu trong món ăn dân dã này. Rau thì luôn có trong các cánh rừng nguyên sinh của đảo, dừa thì được cư dân trồng rất nhiều, còn bánh tráng thì phải là bánh tráng do chính người dân Phú Quốc tự làm lấy vì bánh tráng ở đây có hương vị riêng biệt so với những nơi khác, vừa dày vừa dẻo lại vừa to. Do vậy, khi cuốn với gỏi cá trích, bánh tráng không bị bể và ăn rất ngon miệng. Đây cũng là nét đặc trưng của nghề làm bánh tráng ở Phú Quốc.
Nước chấm gỏi cá trích cũng rất đặc biệt, nó được làm từ ớt, tỏi và đậu phộng rang. Tất cả những thứ này được đâm nhuyễn rồi trộn lại với nhau , pha thêm nước mắm chính hiệu Phú Quốc sẽ tạo ra một hương vị vừa cay nồng, thơm lừng và khó quên khi chấm với gỏi cá trích. Do vậy, dân gian có câu:
“Nước mắm ngon đem dầm con cá trích
Anh có vợ rồi đứng xích cho xa”
Anh có vợ rồi đứng xích cho xa”
Nét đặc biệt của cư dân Phú Quốc là khi ăn gỏi cá trích phải uống chút rượu sim, bởi cá trích có rất nhiều đạm và còn tươi sống, khi ăn gỏi cá dùng chút ít chất men để tốt cho tiêu hóa, đồng thời tạo nên sự hưng phấn, êm ấm bên gia đình sau những ngày ra khơi. Quây quần bên mâm bàn còn là dịp để cho các ngư dân hàn huyên tâm sự, trao đổi kinh nghiệm với nhau về việc đánh bắt hải sản và bàn tính chuyện ra khơi sắp tới.
Có thể nói, gỏi cá trích và rượu sim đã quyện chặt với nhau trong các bữa ăn gia đình trên đảo Phú Quốc mà khó có món ăn nào sánh được. Hơn nữa, sim thì có rất nhiều trong các cánh rừng của đảo Phú Quốc và cư dân ở đây cũng tự biết cách chế biến những quả sim chín này thành một thứ nước uống có hương vị rất đặc trưng, gần giống với rượu nho.
Từ món ăn dân dã của các ngư dân làng chài Phú Quốc, gỏi cá trích đã trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều thực khách. Không những thế, gỏi cá trích hiện đang chiếm lĩnh trong thực đơn của các quán ăn, nhà hàng sang trọng ở Phú Quốc. Sự lên ngôi của gỏi cá trích đã góp phần nâng cao nét đẹp vốn có của Phú Quốc trong cái nhìn của du khách. Điều này giúp cho Phú Quốc mở rộng vòng tay đón chào thực khách, bởi gỏi cá trích và rượu sim đi cùng với nước mắm danh tiếng của Phú Quốc sẽ tạo nên một thương hiệu khó quên mỗi khi đến thăm Phú Quốc – một hòn đảo ngọc của đất nước Việt Nam.
Nghe tên lạ quá phải không . Ừ lạ thiệt . Nhưng nó là món đặc sản của người dân miền biển . Tiết canh cua ra đời từ đâu ? Ai là đầu bếp đầu tiên chế biến nên món ăn có hương vị rất riêng của miền đất cuối trời này ? Có lão ngư miệt biển kể lại rằng : Xưa kia, trong những chuyến đi biển dài ngày, khi nước uống trên thuyền cạn, không kịp trở về hoặc ghé đảo Hòn Khoai để lấy nước ngọt, người đi biển thường bẻ càng cua, hứng lấy chất dịch bên trong để uống. Vị mằn mặn, ngòn ngọt trong càng cua dễ uống hơn nước biển, lại không tanh. Sau này, có người khéo chế biến thành món ăn trong hành trình tìm món lạ đã nhớ đến chất dịch này trong cơ thể cua, và món tiết canh cua ra đời từ đó. Đúng hay sai ? Ta không quan tâm, mà chỉ biết trên thực đơn miền cuối đất đã có món tiết canh cua cùng với hành trình mở đất trên xứ này.
Cua dùng làm tiết canh nhất thiết phải là cua biển, và nên lựa những con có gạch thì đĩa tiết canh cua mới ngon ngọt và đầy đủ chất bổ khi ăn.
Để có đủ tiết làm được một đĩa tiết canh cua loại thường, người ta phải cần từ ba đến bốn con cua loại lớn, mỗi con chừng bảy tám trăm gam đến một ký. Nhưng chưa hết, vì tiết cua không thể hãm được như tiết canh vịt, tiết canh heo nên người ta phải chuẩn bị trước phần nguyên liệu từ một con cua khác. Cua được luộc sơ, khi luộc cho vào một chút rượu đế… để cho thơm thịt cua. Khi cua chín, gỡ lấy từng miếng nạc cua, cho vào đĩa để nguội, rồi trộn với gia vị cho đậm đà; trộn thêm ít ngò gai, tía tô, rau húng xắt nhuyễn và phải có một ít lá quế để giảm bớt vị nồng của cua.
Kế đến mới thực hiện giai đoạn quan trọng nhất là cắt tiết cua. Cua còn sống, rửa thật sạch, sau đó dùng dây buộc thật chặt bốn chiếc ngoe lại thành một chụm. Dùng kéo bén cắt thật ngọt một lượt. Tiết cua màu trắng từ những chiếc chân còn ngo ngoe chảy thẳng xuống đĩa thịt cua đã được bày biện sẵn, ban đầu thành vòi nhỏ, sau cứ ri rỉ cho đến hết. Xong phần chân bên này lại cắt tiếp phần chân bên kia. Ở những con cua có gạch thì ta lấy phần gạch có ở mu cua cho vào đĩa tiếp theo sau phần lấy tiết cua. Phần tiết cua luôn có lẫn nước, khi tiết đã đông, phần nước nổi lên mặt, phải khéo léo dùng muỗng hớt ra cho thật khô, rồi mới rắc lên ngò rí, đậu phộng rang giã nhỏ.
Tiết cua đông lại trông như rau câu. Tiết canh cua ăn là lạ, phần thịt cua mềm lẫn với tiết cua, thêm vào đó vị ngọt béo của gạch cua cho ta một hỗn hợp: mằn mặn, ngòn ngọt khiến dễ hình dung đến những lần trên bãi biển ta ăn cua luộc mà miệng và tay còn dính nước biển. Tiết canh cua cũng được ăn chung với bánh tráng như các loại tiết canh khác, nhưng phần rau thì ngoài mùi tàu, không thể thiếu rau dấp cá và có khi cũng ăn chung với khế chua, chuối chát cũng rất hợp và ngon. Và nhất là, không thể không nhắc đến món tiết canh cua trên mỗi bàn nhậu của cư dân miệt biển sành ăn .
Món Nhum Phú Quốc
Họ hàng với trai, sò… nhum có nhiều loại: nhum mỡ, nhum ta… Khi nhỏ, nhum tựa trái chôm chôm, màu đen thẫm.Lớn lên, nhum có hình tròn dẹt, đường kính khoảng 8-10cm. Con nhum lớn hết cỡ có thể bằng trái cam sành nhưng dẹp, dày cỡ ba lóng tay. Người miền Trung chế biến nhiều món ăn như nhum kho, chưng hột vịt để ăn cơm, cháo nhum hải sản (hàu, sò, nghêu) ngọt như cháo trứng gà.
Chả nhum-một món ngon khó quên. Cho thịt nhum tươi vào cái tô lớn, thêm một ít gia vị như tiêu, hành, nước mắm rồi đánh nhuyễn, sau đó đổ vào chảo dầu chiên. Khi miếng chả vàng ruộm, bốc mùi thơm, vớt ra, để ráo. Dùng với bánh đa (bánh tráng dày nhiều mè), rau sống, chuối chát xắt mỏng, sẽ cho một bữa ngon nhớ đời. Tuy nhiên, ngon nhất là làm mắm.
Bánh Canh Ghẹ
Tô bánh canh ghẹ hấp dẫn
Mới nhìn tô bánh canh ghẹ và chả, đã thấy hấp dẫn. Chen đầy mặt tô là thịt ghẹ, chả cá thu và vài cọng ngò như thêm hoa, thêm nhụy. Tô bánh ngon nhờ miếng thịt ghẹ nào cũng béo ngọt; miếng chả cá thu mằn mặn, vừa dẻo vừa dai; cọng bánh canh trắng trong hấp dẫn; lại bắt gặp vị cay của tiêu cùng làn gió biển vuốt ve làm tăng thêm vị ngon của phong cảnh hữu tình.
Nồi nước lèo được nấu bằng tôm khô, xương ống heo. Và đặc biệt có đầu cá thu tham gia vào, nên nước lèo thêm thơm và ngọt thanh hơn. Chả cũng được làm bằng thịt cá thu tươi nạo ra, cùng hỗn hợp gia vị: tiêu, tỏi, hành, bột ngọt, một chút nước mắm ngon trộn đều; rồi cho vào cối quết nhuyễn. Nhờ gần biển, nên thịt ghẹ và cá thu còn tươi rói.
Nguồn: Tổng hợp.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét